Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

THUẬT XEM TƯỚNG SỐ, SỞ TRANG VƯƠNG DỤNG NHÂN

Sở Trang Vương

Nước Kinh có người xem tướng giỏi, nói câu nào trúng câu ấy. Trong nước xa gần đâu cũng biết tiếng. 
Vua Trang Vương thấy thế, mời lại hỏi: “Nhà ngươi dùng thuật gì mà xem tướng giỏi như thế”? 

Người xem tướng thưa rằng: “Thần không có thuật gì lạ cả. Thần chỉ xem bạn của người ta mà biết được người ta hay, hay dở. Như thần xem cho thường dân, mà thấy chơi với những bạn hiếu, đễ, thuần, cẩn biết giữ phép nước, thì thần đoán người dân ấy là người hay, thân tất một ngày một vẻ vang, nhà tất một ngày một thịnh vượng. Như thần xem cho quan lại mà thấy chơi với những bạn thành, tín, có phẩm hạnh, thích điều phải thì thần đoán cho ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một cao thăng, giúp vua tất mỗi ngày một ích lợi. Như thần xem cho vua chúa, mà thấy quan gần có lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc có lỗi, nhiều người can ngăn, thì thần đoán là ông vua giỏi, vua tất mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một trì yên, thiên hạ tất mỗi ngày một qui phục... Thần quả không có thuật gì lạ, chỉ xem người mà biết được người hay, hay dở”. 

Vua Trang Vương cho là phải. Bấy giờ thu dùng những người tài giỏi, sau nước Sở thành cường thịnh nhất đời Chiến Quốc.
……................

Lượm lặt

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

PHẢI CHĂNG SỐ PHẬN LÀ DO TRỜI SẮP ĐẶT VÀ ĐƯỢC AN BÀI?


Câu chuyện sau đây làm chúng ta suy nghĩ:

Ngày xưa, ở một vùng nọ, có một ông thầy bói rất giỏi và cực kỳ nổi tiếng. Ông đam mê việc xem bói đến nổi ông đi khắp nơi để du sơn, ngoạn thủy, xem hình sông, thế núi, tướng người để kiểm chứng lại các sách vở và kiến thức mà ông đã được. Ông rất tự hào vì ông gần như luôn luôn đúng.

Một lần nọ, ông đi ngang qua một vùng đất. Ngồi ở chợ, ông được người ta chỉ cho ông lão giàu có nhất vùng. Nhà ông rất rất giàu và cực kỳ êm ấm. Nhưng ông rất ngạc nhiên rằng tướng người ông lão theo sách thì là tướng bần hèn nhất hạn. Ông suy nghĩ mãi mà chẳng thể lý giải nổi câu chuyện này.

Thắc mắc, ông thầy bói đành đến lân la làm quen với ông lão giàu có. Ông trình bày nhã ý muốn về nhà ông lão xem nhà ông có phong thủy tốt hay long huyệt long mạch gì không. Vốn tính vui vẻ, ông lão bằng lòng ngay. Ông lão dẫn ông thầy bói về nhà mình, xem đất xem đai, xem mồ mã ông bà tổ tiên.

Ông thầy bói nhận ra tất cả đều hết sức bình thường, thậm chí là phạm vào một số điều cấm kỵ trong sách bói. Vậy mà sao ông lão vẫn giàu có và êm ấm vậy được nhỉ? Trong lúc ông thầy bói xem tướng đất, hướng nhà thì ông cũng phát hiện ra một con đường quang rất rộng nối thẳng từ chợ về nhà ông lão nhà giàu. Ông thầy bói cũng nhận ra rằng lúc nãy ông lão nhà giàu dẫn ông từ chợ về nhà không đi qua con đường này, mà đi qua con đường ngoằng nghèo và nhỏ hơn nhiều. Đem thắc mắc đi hỏi ông lão nhà giàu, ông lão từ tốn đáp rằng:

“À, con đường quang lớn kia từ chợ về nhà lão rất gần, nó đi qua rất nhiều ruộng đất và ao hồ của lão. Mùa này lão vừa gặt xong, cá cũng thu hoạch xong, có rất nhiều người nghèo và tá điền đang mót lúa, vét cá ở đấy. Lão đi qua, người ta lại sợ, lại ngại không dám mót, dám vét. Nên lão đi con đường vòng về, tránh đi cho họ làm.”

Lão thầy bói mới gật gù: “Ông lão có cái tâm cái đức như thế, dẫu tướng có xấu thêm nhiều phần nữa, hướng nhà hướng đất có xấu hơn nữa, thì cũng sẽ giàu có và hạnh phúc thôi”

Thế mới biết “Đức năng thắng số”.

.................................
Lượt lặt

Lời bình:

Gieo Suy nghĩ => gặt hành động ; gieo hành động => gặt thói quen ; gieo thói quen gặt tính cách ; gieo tính cách => gặt số phận. Vậy Số phận có phải từ trong suy nghĩ mà ra? 

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CÂY VÔ DỤNG, suy ngẫm về người Tài


Hình minh họa

Có một mộc sư tên Thạch đi qua vùng Khúc Viên của Tề thấy có một cây lịch to lớn trước miếu thổ thần. Bóng râm của nó có thể che hết ngàn con bò, cây cao đến đỉnh núi, thân lớn bằng trăm người ôm, cành của nó có thể khoét thành thuyền độc mộc. Người ta bu lại coi đông như chợ, thế mà Thạch vẫn cắm đầu đi thẳng. 

Bọn đệ tử nhìn chán rồi mới đuổi theo Thạch. Một đứa nói: "Từ khi con vác búa theo thầy đến này chưa hề thấy cây nào lớn đẹp như vậy. Thế mà thầy không thèm nhìn là sao?"  

Mộc sư nói: "Thôi, thôi! Đó là cây vô dụng, ta còn lạ gì. Dùng nó làm thuyền thì đắm, làm quan tài thì mau mục, làm khí cụ thì mau hỏng, làm cửa thì nó hay tiết ra chất dầu rất nhớp, làm cột kèo rui mẻ thì lắm mối mọt. Vì vậy nó mới sống lâu và cao như thế".  

"Nhưng sao nó lại mọc ở chỗ tế tự?". Mộc sư đáp: "Cây ấy bất quá chỉ gửi mình ở nơi cúng tế để những kẻ ngu dốt khỏi chửi nó vô dụng. Không mọc ở chỗ miếu thì dễ bị phá đi, nhưng cách bảo toàn đó có khác gì con người?". 

Lấy sự lý đời này ra để chứng minh có lẽ không khác xa lắm! ... 

.................... 
Lượm lặt

NGƯỜI THẮNG & KẺ THUA, Câu chuyện suy ngẫm về cách suy nghĩ tích cực và tiêu cực


Người thắng luôn có cách giải quyết vấn đề, kẻ thua luôn gặp rắc rối khi giải quyết. Người thắng cuộc luôn có sẵn chương trình. Người bị thua luôn có sẵn lời bào chữa. Người thắng nói: “Để tôi thực hiện việc đó cho bạn”, kẻ thua bảo: “Đó không phải là công việc của tôi". Người thắng nhìn thấy cách giải quyết cho mỗi trở ngại, kẻ thua nhìn thấy trở ngại trong mỗi lời giải.

Người thắng cuộc nói: “Có lẽ khó nhưng tôi có thể làm được”, kẻ bị thua bảo: “Tôi làm được nhưng nó khó quá”. Khi người thắng phạm sai lầm, anh ta nhận: “Tôi đã sai” còn khi kẻ thua phạm sai lầm, anh ta phân bua: “Đó không phải lỗi của tôi”.
Người thắng thực hiện những lời cam kết, kẻ thua thực hiện những lời hứa hẹn. Người thắng có những ước mơ, kẻ thua có một âm mưu. Người thắng nói: “Tôi phải làm điều gì đó”, kẻ thua nói: “Điều đó phải được làm”. 

Người thắng là một bộ phận của tập thể, kẻ thua nằm bên ngoài tập thể. Người thắng nhìn thấy lợi ích, kẻ thua nhìn thấy đau khổ. Người thắng nhìn thấy những khả năng, kẻ thua nhìn thấy trở ngại. Người thắng tin rằng tất cả mọi người sẽ chiến thắng, kẻ thua tin rằng họ chiến thắng những người thua cuộc. 

Người thắng như là một máy điều nhiệt, kẻ thua như là cái nhiệt kế. Người thắng thích những điều mình nói, kẻ thua nói những điều họ thích. Người thắng sử dụng những lý lẽ cứng rắn bằng ngôn từ mềm mại. Kẻ thua sử dụng những lý lẽ mềm mại bằng ngôn từ cứng rắn.


Người thắng kiên định với những giá trị cao đẹp nhưng bỏ qua những điều nhỏ nhặt, kẻ thua cứng rắn với những điều nhỏ nhặt nhưng bỏ qua những giá trị cao đẹp. Người thắng sống theo triết lý của sự cảm thông: “Đừng làm những điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình”, kẻ thua sống bằng lý lẽ: “Hãy làm điều đó trước khi nó làm cho mình”.

..........................
Khuyết Danh

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

MÀI VŨ KHÍ, Câu chuyện nhắc nhớ ta không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân



Ngày xưa, có một tiều phu khỏe mạnh đến tìm gặp ông chủ xưởng gỗ để tìm việc làm và anh đã được nhận vào làm một công việc phù hợp với khả năng: đốn gỗ. Tiền lương được trả thật sự cao và điều kiện làm việc rất tốt. Chính vì lý do đó mà người tiều phu đã làm việc hết sức mình.

Ông chủ đưa cho ông một cái rìu và chỉ anh nơi để đốn gỗ. Ngày đầu tiên, người tiều phu mang về 18 cây.
“Thật tuyệt vời, hãy tiếp tục như thế”, ông chủ khích lệ.

Nghe những lời khuyến khích của ông chủ, người tiều phu gắng sức làm việc trong ngày tiếp theo nhưng anh ta chỉ mang về có 15 cây. 

Ngày thứ ba anh cố gắng làm việc hơn nữa nhưng anh cũng chỉ mang về được 10 cây.

Những ngày tiếp theo số cây anh mang về ngày càng ít hơn.

“Tôi đã đánh mất sức mạnh của mình”, người tiều phu nghĩ thế. Anh tìm đến gặp ông chủ để nói lời xin lỗi và giải thích rằng anh không hiểu được tại sao lại như thế. “Lần cuối cùng anh mài cái rìu của anh là vào khi nào”, ông chủ hỏi. “Mài rìu ư? Tôi không có thời gian để mài nó. Tôi đã rất bận trong việc gắng sức đốn những cái cây”.

Cuộc sống của chúng ta cũng giống như người tiều phu kia, đôi lúc chúng ta quá bận rộn để hoàn tất công việc nhưng có vẻ như nó ngày càng tệ hơn. Hãy nghỉ ngơi và tìm cách mài lại “vũ khí” và bạn sẽ tìm thấy được sức mạnh của mình bằng các hình thức thư giãn, đọc sách, học thêm các kỹ năng sống và tu luyện để hoàn thiện bản thân.

------------------- 
Lượm lặt

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

“MỘT VÀI DÒNG” của Rockefeller cha, một câu chuyện hay về thuật dùng người của Tỷ Phú Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ


Nhiều năm về trước, một ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một công ty dầu lửa đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn hai triệu đôla. John D. Rockefeller lúc đó là người đứng đầu công ty này. Vào cái ngày đen tối mà tin tức khủng khiếp trên được lan truyền ra, hầu hết các nhân viên và ủy viên khác của công ty đều lo lắng và muốn tránh mặt Rockefeller, không ai muốn bị liên lụy gì.

Chỉ trừ có một người, đó chính là ủy viên đưa ra quyết định sai lầm kia. Ông ta là Edward T. Bedford. Rockefeller ngay hôm ấy hẹn gặp Bedford và Bedford rất đúng giờ. Ông ta đã sẵn sàng nghe một "bài diễn thuyết" nghiệt ngã từ Rockefeller.

Khi Bedford bước vào phòng Rockefeller, ông vua dầu lửa đang ngồi cạnh bàn, bận rộn viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rockefeller ngẩng lên.
- A, anh đấy hả, Bedford?- Rockefeller nói rất bình tĩnh - Tôi nghĩ là anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?
Bedford đáp rằng ông đã biết rồi.
- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này - Rockefeller nói - Và trước khi tôi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng. 
Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rockefeller như sau: Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã "viết vài dòng" là: "Những ưu điểm của Bedford". Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo là miêu tả vắn tắt rằng tôi đã giúp công ty đưa ra quyết định đúng đắn được ba lần và giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất lần này.
Tôi không bao giờ quên bài học ấy. Trong nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi định nổi cáu với người khác, tôi đều bắt mình phải ngồi xuống, nghĩ và viết ra một bảng liệt kê những ưu điểm của người đó, dài hết sức có thể. Khi tôi viết xong bản đó thì thường tôi cũng thấy bớt cáu rồi.
Không biết là thói quen này đã giúp tôi bao nhiêu lần tránh được những sai phạm tôi có thể có: đó là nổi cáu một cách mù quáng với người khác.

Tôi biết ơn ông chủ tôi vì thói quen này, và bây giờ tôi giới thiệu nó cho tất cả các bạn.

Lượm lặt

Chiếc đàn Piano màu gụ đỏ-Một câu chuyện cảm động về người bán hàng tặng các bạn trẻ khởi nghiệp làm chủ


Khi tôi 20 tuổi, tôi bán hàng thuê cho một hiệu đàn piano ở St. Louis. Một lần, chúng tôi lại nhận được một "đơn đặt hàng" là một bưu thiếp từ vùng Đông Nam Missouri. Trên bưu thiếp đó có viết "Xin hãy mang một chiếc đàn piano màu gụ đỏ tới cho cháu tôi. Tôi sẽ trả góp 10 đôla mỗi tháng bằng tiền bán trứng gà". Qua nét chữ có thể đoán đó được người viết là một bà cụ. Bà ấy viết câu đó lặp đi lặp lại kín mít tấm bưu thiếp, viết cả ra những diềm giấy còn thừa ở mặt trước cho đến khi chỉ còn ra một khung nhỏ ghi địa chỉ. 

Tất nhiên công ty chúng tôi không thể bán piano trả góp 10 đô mỗi tháng. Nên chúng tôi lờ tờ bưu thiếp đi.

Tuy nhiên, đến một ngày, ở vùng Đông Nam Missouri đó có thêm vài người đặt mua đàn piano và chúng tôi phải chở đàn đến đó. Vì tò mò, tôi muốn đến địa chỉ của bà cụ xem sao. Gần như giống hệt những gì tôi tưởng tượng: bà cụ sống trong một túp lều lụp xụp cạnh cánh đồng. 

Sàn căn lều rất bẩn. Gà thỉ chạy lung tung: không xe, không điện thoại, không nghề nghiệp. Chẳng có gì cả trừ một mái nhà, và đó cũng không phải là một cái mái tốt. Cháu gái của bá cụ khoảng 10 tuổi, đi chân đất và mặc váy vá. 

Tôi giải thích cho bà cụ rằng chúng tôi rất buồn vì không giúp được bà cụ. Nhưng dường như những gì tôi giải thích chẳng có hiệu quả. Cứ 6 tuần một lần, chúng tôi lại nhận được một cái bưu thiếp y như nhau. Cần có một cái đàn piano màu gụ đỏ, và thề thốt rằng bà sẽ trả 10 đôla/tháng. Khoảng hai năm sau, tôi mở được một công ty giao bán piano của riêng mình, và đôi khi tôi đăng quảng cáo trên báo địa phương Missouri. Tôi bắt đầu nhận được những bưu thiếp như từng nhận ở công ty cũ. Trong hàng tháng trời, tôi cũng lờ những tờ bưu thiếp đó đi, vì tôi biết làm gì cơ chứ?

Nhưng rồi, một hôm ở công ty tôi có nhập vể một số đàn piano kiểu mới, trong đó có một chiếc đàn màu gụ đỏ. Dù biết mình có thể gây thua thiệt cho công ty, tôi vẫn quyết định đưa chiếc đàn lên xe ô tô chở tới nhà bà cụ và nói rằng nếu bà trả 10đôla/tháng thì bà sẽ phải trả 52 lần. Tôi đặt piano vào nơi ít có khả năng bị dột nhất. Tôi cũng dặn bà và cháu bé giữ cho bọn gà đừng nhảy lên đàn piano. Rồi tôi lên xe về công ty đinh ninh rằng thế là coi như mình đã cho không một cây đàn. 

Nhưng cứ 10 đôla được gửi đến cho tôi rất đều đặn mỗi tháng. Cả 52 tháng. Đôi khi không chỉ là tiền giấy mà là những đồng xu được dùng băng dính đính vào bưu thiếp. 

Nhận đủ tiền tôi không có liên lạc gì với bà cụ nữa trong suốt 20 năm. Cho đến một ngày khi đi công tác ở Memphis, tôi ghé vào một nhà hàng để dùng bữa. Ở đó, tôi được nghe thấy tiếng đàn piano hay nhất mà tôi từng được nghe. Và do một cô gái rất xinh đẹp đang chơi. 

Tôi lại gần cô ấy và đứng nghe nhạc. Khi chơi xong bản nhạc, chúng tôi nói chuyện với nhau, và thật như một điều kì diệu, đó chính là cô bé mặc váy vá trong căn lều nhỏ 20 năm trước. 

Cô gái kể từ khi được bà đã đặt mua cho chiếc đàn piano màu gụ đỏ, cô đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc ở trường và địa phương. Bây giờ cô đã có gia đình còn bà cô đã mất. 

Tôi hỏi cô có biết chiếc đàn piano màu gụ đỏ có ý nghĩa như thế nào không. Cô gái nói hồi đó cô còn quá nhỏ, chỉ biết có một chiếc đàn mà không hiểu gì nhiều. Nhưng tôi thì hiểu. 

Cuối cùng, tôi bảo cô: 
- Tôi rất mừng được gặp lại cô, còn bây giờ tôi phải đi về. 

Và tôi thực sự phải đi về, vì bạn biết đấy, đàn ông không bao giờ muốn bị nhìn thấy mình khóc ở nơi công cộng.

Khuyết Danh

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Câu Chuyện Bát Mì và Cái Tâm và Tầm Trong Kinh Doanh, thật xúc động khi xem đi xem lại câu chuyện này!

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì".Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản. 

Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ. 

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời. 

- Xin mời ngồi! 
Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói: 
- Có thể... cho tôi một… bát mì được không? 
Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú. 
- Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây. 
Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to: 
- Cho một bát mì. 
Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. “Ngon quá” - thằng anh nói. 
- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ. 
Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon ! Cám ơn !” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán. 
- Cám ơn các vị ! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói. 

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái. 
- Có thể… cho tôi một… bát mì được không? 
- Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi! 
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp: 
- Cho một bát mì. 
Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời: 
- Vâng, một bát mì! 
Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng: 
- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không? 
- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý. 
Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: “Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!” 
Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán. 
- Thơm quá! 
- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá! 
- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy! 
Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình. 
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ! 
Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu. 

Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”. Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đêu đã lớn rất nhiều. 
- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón. 
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói: 
- Làm ơn nấu cho chúng tôi…hai bát mì được không? 
- Được chứ, mời ngồi bên này! 
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì” 
- Vâng, hai bát mì. Có ngay. 
Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi. 
Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây. 
- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con! 
- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ? 
- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng. 
- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời. 
Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe. 
- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi! 
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ? 
- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi. 
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé. 
- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên! 
- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều! 
- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự. 
- Có thật thế không? Sau đó ra sao? 
- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn”. Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên ! Chúc hạnh phúc ! Cám ơn !” 
Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài. 
- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời. 
- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao? 
- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con.” 
Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo: 
- Cám ơn! Chúc mừng năm mới! 

Lại một năm nữa trôi qua. 
Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện. 
Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ. 
“Việc này có ý nghĩa như thế nào?” Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này. 
Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua. 

Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà. 
Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên. 
Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm: 
- Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không? 
Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói: 
- Các vị… các vị là… 
Một trong hai thanh niên tiếp lời: 
-Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lức để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này. 
Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói: 
- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao ? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên! 
Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói: 
- Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì. 
Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời: 
- Có ngay. Ba bát mì. 
.................................................................
Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng : chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt ,nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người. 

Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng : "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt." Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.

Khuyết Danh